Sốt xuất huyết - Những điều cần lưu ý
Có nhiều mẹ hỏi về bệnh sốt xuất huyết, mình bận quá nên mình tóm gọn vài ý ở đây với sự tư vấn của bác sỹ Doan Nguyen cho các mẹ tham khảo nhé!
1/ Khi nào thì nghi ngờ trẻ sốt xuất huyết?
Ta có thể dựa trên triệu chứng lâm sàng: trẻ bị sốt cao (từ 39 - 41 độ C) kéo dài cả ngày và có các triệu chứng đi kèm giống như bị cúm như đau đầu, đau người, rất đừ... nhưng không ho và không sổ mũi thì có thể nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết và cho trẻ đi khám, làm xét nghiệm máu.
Việc xét nghiệm máu là để chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây ra biểu hiện sốt của trẻ. Nếu trẻ bị nhiễm một loại vi khuẩn nào đó thì cần điều trị kháng sinh. Nếu trẻ được chẩn đoán bị sốt xuất huyết hoặc nhiễm loại siêu vi khác thì đều phải chờ cho khỏi bệnh vì không có thuốc để trị.
2/ NÊN chăm sóc trẻ tại nhà
Thông thường vì quá lo lắng cho bệnh của con mà cha mẹ hay có tâm lý muốn cho con nhập viện để bác sỹ túc trực theo dõi, tuy nhiên điều này là KHÔNG cần thiết. Ở bệnh viện, trẻ cũng sẽ được cho uống nước, thuốc giảm sốt và theo dõi tình trạng. Trong khi nằm viện thì không thoải mái, chưa kể nguy cơ lây nhiễm chéo các loại bệnh khác.
* Khuyến khích và cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là dùng nước dừa tươi để lạnh cho trẻ dễ uống, hoặc có thể dùng nước điện giải (oresol) để bổ sung nước cho trẻ
* Sốt xuất huyết làm trẻ mệt và đừ nên hầu như có nhu cầu ngủ nhiều hơn ăn, do đó cần cho trẻ ngủ nghỉ nhiều và ăn tùy theo nhu cầu (không ép)
* KHÔNG nên cho trẻ uống các loại nước có màu nâu như coca hay trà. Bởi nếu trẻ bị ói, bác sỹ dễ nhầm lẫn dịch màu nâu với triệu chứng ói ra máu.
* Sốt xuất huyết làm trẻ mệt và đừ nên hầu như có nhu cầu ngủ nhiều hơn ăn, do đó cần cho trẻ ngủ nghỉ nhiều và ăn tùy theo nhu cầu (không ép)
* KHÔNG nên cho trẻ uống các loại nước có màu nâu như coca hay trà. Bởi nếu trẻ bị ói, bác sỹ dễ nhầm lẫn dịch màu nâu với triệu chứng ói ra máu.
3/ Theo dõi bệnh cho trẻ
Một đợt sốt xuất huyết diễn ra trong khoảng từ 2 - 7 ngày, trẻ có thể bị xuất huyết hoặc không. Thường xuất huyết (phát ban) ở các vị trí như tay, chân, lưng, ngực...
Nếu trẻ vẫn uống nước được, sinh hoạt hầu như bình thường thì không cần phải làm xét nghiệm máu mỗi ngày.
Nếu qua giai đoạn sốt mà trẻ chơi bình thường, vui vẻ bình thường thì nghĩa là trẻ đã khỏi bệnh.
Nếu qua giai đoạn trẻ hết sốt, đừ nhiều hơn, đau bụng nhiều, ói nhiều thì nên đưa trẻ vào bệnh viện để khám ngay bởi trẻ có nguy cơ bị biến chứng. Biến chứng thường diễn ra sau khi hết đợt sốt.
4/ Xử lý biến chứng thường gặp của Sốt xuất huyết
Biến chứng thường gặp nhiều nhất của sốt xuất huyết là trụy mạch. Nguyên nhân là do mạch máu tăng tính thấm nên huyết tương (dịch trong máu) thoát ra ngoài (giống như ống nước bị bể), khiến cho mạch máu không còn đủ nước để cung cấp cho cơ thể --> tình trạng này gọi là SỐC. Lúc này, trẻ cần được truyền dịch để bồi hoàn đủ lượng nước của mạch máu để nuôi cơ thể.
Việc dùng các loại thuốc cây nhà lá vườn như lá tre hay này kia để chữa trị sốt xuất huyết đều KHÔNG giúp ích được gì cho bệnh nhi. Nó không khác gì việc trẻ bị sởi cho tắm lá mùi già như đợt dịch năm 2014.
5/ Người mắc sốt xuất huyết nhiều lần có cơ nguy cơ biến chứng cao hơn
Có 4 chủng sốt xuất huyết và các chủng này đều nguy hiểm như nhau. Do đó, người bệnh có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần. Nhưng thông thường, người từng bị sốt xuất huyết và bị mắc sốt xuất huyết chủng khác lần 2 dễ gặp biến chứng nhiều hơn. Và tình trạng này thường gặp ở trẻ lớn hoặc người lớn hơn là trẻ nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết lần đầu.
Tóm lại, điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi biểu hiện bệnh của con kỹ để có thể đưa con đến bệnh viện kịp thời khi cần thiết.
Chúc các bạn luôn nuôi con khỏe!
Comments
Post a Comment